Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > BẢO TỒN THIÊN NHIÊN

Trồng rừng nơi bão dữ

Cập nhật ngày 8/12/2009 lúc 11:51:00 PM. Số lượt đọc: 1230.

Mùa hà đẻ trứng, cũng là mùa của những cơn bão to, sóng lớn. Hàng trăm người lom khom, mải miết tuốt trứng hà, nhặt cỏ, rác và bèo trên những thân cây trang, bần chua non ở khu rừng ngập mặn với ước mong mùa bão sẽ yên lành hơn.

 

Đây là mô hình trồng rừng và quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng đã thành công và gây được tiếng vang lớn ở vùng biển Hậu Lộc - Thanh Hóa.

Mô tả ảnh.
Hàng trăm ha rừng ngập mặn tại Hậu Lộc đang lên xanh

Tiếng vang không chỉ bởi gần 200 ha rừng ven biển đã được trồng thành công ở nơi mà từ trước tới nay đã có bao chương trình, dự án trồng rừng bị thất bại mà còn bởi nơi đây đã rút ra được một bài học quan trọng nhất để trồng, chăm sóc rừng ngập mặn ở những vùng đất bãi môi trường khắc nghiệt và giữ được rừng, nhân rộng mô hình khi không còn sự hỗ trợ.

Gieo mầm xanh, ngăn con sóng

Rừng non xanh cao ngang bụng người. Bờ trơ cát nên loài hà chẳng còn chỗ nào để đẻ trứng ngoài bám vào cầy bần, cây trang mới trồng. Nó sẽ bám chặt vào vỏ làm cho cây non dần dần chết.

Do đó, hà được coi là thủ phạm chính làm nên thất bại của những dự án trồng rừng ngập mặn từ trước tới nay ở đây. Việc tìm ra cách xử lý trứng hà là một thành công lớn của những người làm công tác trồng rừng ngập mặn nơi đây.

Không chỉ tuốt hà mà vì là vùng cửa sông nên vài bữa, người dân phải đi dọn bèo, rác, túi nilon bám níu cây. Đây là điểm khó trồng rừng nhất vì ra biển, nước mặn, nhiều hà, sóng to gió lớn.

Ông Nguyễn Viết Nghị, cán bộ phụ trách chương trình trồng rừng ngập mặn cho biết, trước đây, trong năm 2005 - 2006 đã có những dự án trồng rừng lên đến 200 ha nhưng đều thất bại.

Nhưng chẳng lẽ cứ chịu nản lòng trước những cơn sóng, để rồi mỗi khi sóng to, bão lớn về, đê lại vỡ, đồng lại ngập mặn, nhà lại tan hoang, người dân điêu đứng?

Cuối tháng 5, đầu tháng 6, thời điểm hà đẻ trứng cũng là lúc toàn bộ bà con của 6 thôn ven biển tập trung đánh trứng hà các rừng non trồng năm 2008, 2009. Còn những cây đã trồng năm 2007 thì đã lớn và có thể tự bóc, tách hà.

Rừng đã trồng được 3 năm. Ba năm là khoảng thời gian đủ để khẳng định, chương trình trồng rừng ngập mặn đã bước đầu thành công.

Dự kiến, khi có điều kiện, Hậu Lộc sẽ tiếp tục nhân rộng, trồng thêm 200 ha về phía xa đảo. Gần 200 ha rừng đã được trồng chỉ với số kinh phí hỗ trợ khoảng 60.000 USD.

Ông Nghị cho biết, trước đây, công việc này chẳng ai biết đến. Qua mạng, ông viết bài giới thiệu bằng cả tiếng Anh và Việt và đã nhận được rất nhiều thư phản hồi ở cả trong và ngoài nước động viên, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó, ông liên tục được mời tham dự các hội thảo lớn nhỏ, chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng ngập mặn thành công.

Gắn rừng với số phận người dân vùng biển

Để có giống cây trồng, chính người dân đã mày mò tạo ra các vườn ươm. Bần là 1 trong những loại cây khó ươm nhân giống. Để nó mọc mầm đã khó chứ không nói đến chăm sóc cho cây giống phát triển. Vậy nhưng người dân đã ươm thành công.

Cây trồng trong 2 năm dễ bị chết vì hà bám nhưng từ năm thứ 3 trở đi, cây tự bóc vỏ, tách hà và lớn rất nhanh. Theo những người dân, đây là cây đi tiên phong trong các vùng đất lầy sụt.

Dân trồng rừng và giao rừng về cộng đồng, bài học này GS. Võ Quý đã áp dụng thành công để trồng rừng ở những vùng đất khô cằn, hoang hóa trên cả nước. Nếu không dựa vào cộng đồng, dân không được bàn, được làm, được hưởng lợi... thì khó có thể thành công bởi không ai chăm sóc, giữ rừng bằng chính những người dân bao đời sống ở đây.

vmi
Màu áo xanh tình nguyện làm xanh thêm màu xanh của rừng

Tham gia trồng rừng có lúc lên đến 600 - 700 người. Làm sao có thể huy động được đông dân như vậy, trong khi một ngày người dân ra biển cũng được dăm chục, một trăm, còn đi trồng rừng chỉ được hỗ trợ bữa ăn trưa?

Thắc mắc này đã được chính những người dân giải cho dự án. Trồng rừng không phải cho bất kỳ tổ chức, đơn vị nào mà trồng cho mình, cho sự an toàn của gia đình, người thân, làng mạc khi mùa mưa bão đến. Bão về, gió dập, sóng dồn, rừng sẽ bảo vệ những người dân bên kia con đê.

Nếu có rừng ngập mặn đi ra phía biển 100m thì sóng sẽ hạ 50% khi vào tới bờ. Điều đó đã chứng minh qua trận bão năm 2005, đoạn nào có rừng thì sóng chỉ dừng ở mép đê chứ không đánh vào trong khu dân cư, và 3,7 km đê bê tông không có rừng chắn sóng đã bị đánh vỡ, gây ngập lụt.

Sau cơn bão, đê đã được làm cao và to hơn. Tuy nhiên, cao hay thấp không quan trọng khi có sóng to, bão lớn. Chính rừng ngập mặn đã làm giảm đi mức độ hung hãn của những con sóng lớn, ông Nghị khẳng định.

Nhân rộng những cánh rừng chắn sóng

Cả thôn Ninh Phú có gần 100 người tham gia trong ngày ra quân nhặt rác, bóc hà. Lom khom tay nhặt rác, bèo len giữa những khóm bần và trang, bà Trần Thị Huệ, thôn Đông Tân - Đa Lộc cho biết, cứ 4 tháng lại phải tuốt trứng hà 1 lần và vài ngày lại phải nhặt bèo, rác bám vào cây sau khi thủy triều rút. Nếu không thường xuyên làm, chỉ cần bỏ bẵng một thời gian, cây sẽ chết.

Con cái lớn đi học, đi làm xa hết, nhà bà Huệ chỉ còn 3 người thì có tới 2 người tham gia trồng rừng. Có gia đình cả nhà đổ ra ngoài bãi. Mặc dù công sá chẳng thấm vào đâu so với đi biển nhưng mọi người vẫn làm hăng say vì đã nhận ra lợi ích của rừng.

Bài học nằm lòng khi cơn bão năm 2005 đi qua đã đánh tan bờ đê, lụt hết nhà cửa, mất mùa mấy năm liền vì nhiễm mặn. Thiệt hại kinh tế là rất lớn. Nỗi lo của bà Huệ cũng là nỗi niềm của bà con dân biển Hậu Lộc trước màu mưa bão sắp về bởi rừng vẫn còn quá non, mới ngang người.

Không chỉ Đa Lộc mà cả Ngư Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc... đều tham gia các phong trào chăm sóc và bảo vệ rừng, về bảo vệ môi trường, chia sẻ thông tin ý nghĩa của rừng ngập mặn.

Mỗi khi hè về, từng lớp các cháu học sinh lại tổ chức về hóng mát, sinh hoạt tập thể trên những triền đê, dưới rừng phi lao hưởng không khí trong lành. Gần 30 bóng áo xanh tình nguyện loáng thoáng xen lẫn những hàng bần, hàng trang.

Đây là đội thiếu niên môi trường xanh, tham gia trồng rừng, tuyên truyền các lợi ích của rừng để các em đi phổ biến với các bạn học trong trường, trong lớp. Em Trần Thị Giang, lớp 11 trường bán công Nga Sơn - thành viên nhóm tình nghuyện xanh cho biết, mỗi tuần các em tham gia một buổi tình nguyện. Đội đã tham gia trồng và chăm sóc rừng được gần 1 năm.

Cuộc sống người dân biển nơi đây còn nhiều vất vả, khó khăn. những ngày không đi trồng rừng, Giang và người dân lại ra biển bắt cá, móc khều, don để kiếm nguồn thu nhập khi hết mùa vụ.

Chị Huệ cho biết, với mỗi nhân khẩu được 7 thước rưỡi ruộng thì không đủ ăn chứ đừng nói gì tới mua sắm, chăm lo con cái ăn học. Do đó, biển lại trở thành nguồn thu chính của phần lớn các hộ dân nơi đây. Trước chưa có rừng thì cá, khều và các thủy sản rất ít nhưng từ khi có rừng, cá, khều đã vào trú ngụ.

Hầu hết những người dân nơi đây đều tin tưởng, chăm sóc rừng trưởng thành, phát triển thì cá tôm sẽ váo trú ngụ nhiều hơn. Khi ấy, rừng sẽ là môi trường tạo nguồn thu thêm cho cuộc sống những người dân biển.

Hơn 100 ha rừng đã tự bóc vỏ, tách hà và phát triển nhanh, bần đã ra hoa, cây trang đã cứng cáp, đây là niềm vui lớn nhất của người trồng rừng vì như thế, cây đã sinh trưởng và phát triển tốt.

Rồi đây, khi rừng cao lớn sẽ che chở, bảo vệ cuộc sống của những người dân biển nghèo của Hậu Lộc trước thiên tai, sóng gió. Mong muốn của những người dân không chỉ có 1 chương trình, dự án triển khai mà mở rộng thêm nhiều khu rừng được trồng, phủ hết các khu bãi trống để con sóng hãy ở xa ngoài biển.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam

Hanh.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025