Tên Khoa học: Rungia chinensis Benth.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Rung trung quốcTên khác:
Rungia chinensis Benth.1. cành mang hoa; 2. hoa; 3. lá bắc; 4. nhị; 5. bộ nhụy. (hình của Đ. T. Xuyến, 2007; vẽ theo mẫu NY-HN 726 - HN).
Cỏ cao tới 40 cm hay hơn. Thân mảnh, thường nằm rồi đứng, khi non có lông tơ màu trắng dày, thường có rễ ở đốt thân phía dưới. Lá hình trứng rộng hay trứng thuôn, có mũi; dài 2-4 cm, rộng 1-3 cm; gốc lá hẹp dần, nhọn; chóp lá có mũi nhọn hay tù; mép lá nguyên hay hơi lượn sóng; gân gốc 4-5 cặp; cả 2 mặt nhẵn, có lông rải rác trên gân; cuống lá dài 1-3 cm, có lông. Cụm hoa chùm thường ở đỉnh cành hay nách lá, chùm dài 3-6 cm, thường mang nhiều hoa, có lông. Lá bắc cái ngoài hình bầu dục thuôn hay trứng ngược thuôn dài, dài 0,8-1,0 cm, rộng 0,2-0,3(0,4) cm, có lông tơ mảnh rải rác ở mép. Lá bắc cái trong hình trứng ngược hay trứng ngược thuôn, dài 0,6-0,8 cm, rộng 0,3-0,4 cm. Lá bắc con hình trứng hay trứng rộng, dài 0,6-0,7 cm, rộng 0,4-0,5 cm, chóp tròn có mũi nhọn, mép có một vòng trong suốt, thường có lông tơ rải rác. Đài 5 thùy, dài 0,5 cm; thùy thường hình mũi giáo hẹp, có mũi nhọn dài, có lông. Tràng màu hồng hay trắng; ống tràng dài 0,6 cm, có lông tơ mịn; chia 2 môi, môi dưới 3 thùy, môi trên 2 thùy nhỏ như răng. Nhị 2, chỉ nhị dài tới 0,5 cm, có lông phủ dày ở phiá dưới, mang 2 bao phấn thường lệch. Vòi nhụy dài 1 cm, thường nhẵn; núm nhụy tù. Quả nang, hình trứng, dài 0,6 cm, có lông mịn. hạt gần hình cầu.
Loc. class.: China.
Sinh học và sinh thái: Cây ra hoa vào các tháng 9-11; có quả vào các tháng 10-12. Gặp mọc rải rác trong rừng, ở những nơi ẩm, ở độ cao 1500 m so với mặt nước biển.
Phân bố: Mới thấy ở Lâm Đồng (Lạc Dương: Bì Đúp). Còn có ở Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Đài Loan).
Mẫu nghiên cứu: Lâm Đồng, L. Đ. Tấn và cs., NY-HN 726 (HN).
Ghi chú: loài này mới chỉ được ghi nhận ở Đài Loan (Trung Quốc) và thường phân bố ở các khu rừng miền tây và tây nam, đặc biệt là các vùng núi Pingtung, Taitung và Hualien, nhưng cũng được nhấn mạnh đây là một loài hiếm gặp. Loài R. chinensis Benth. rất gần với loài R. pierrei Benoist bởi đặc điểm quả có lông, nhưng khác với loài R. pierrei Benoist bởi R. pierrei Benoist mang lá hình bầu dục, dài 8-10 cm, lá bắc con không có lông ở mép; còn R. chinensis Benth. mang lá hình trứng, dài 2-4 cm, lá bắc con có lông ở mép.
Loài R. chinenksis Benth. rất giống với loài R. tonkinensis R. Ben. nhưng khác với loài R. tonkinensis R. Ben. bởi đặc điểm lá thường rộng hơn (tới 3 cm), lá bắc con thường ngắn hơn (thường 0,6-0,7 cm). Tuy nhiên, sự tồn tại của loài R. tonkinensis R. Ben. là chưa chắc chắn bởi R. tonkinensis R. Ben. được R. Benoist ghi nhận trong Fl. Gén. Indoch. 4: 759 với ghi chú rõ ràng là loài này được công bố đầu tiên ở Notul. Syst. 1935 mà không chỉ rõ số tập và số trang. Tuy vậy, trong các tài liệu về Notul. Syst. xuất bản năm 1935 thì không có loài này. Tất cả các tài liệu nghiên cứu về sau đều ghi nhận loài R. tonkinensis R. Ben. được công bố đầu tiên trong Fl. Gén. Indoch., 1935 (Index Kewensis, 1995 hay The International Plant Names Index - IPNI, 2003). Như vậy, khi công bố loài này, R. Ben. đã không có phần mô tả bằng tiếng latinh, không chỉ ra mẫu typus. Vì đây là loài còn mang nhiều nghi ngờ nên đã không được đưa vào “Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập 3”