Tên Khoa học: Lonicera bournei Hemsl. ex Forb et Hemsl.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Kim ngân rừng; Nhẫn đồng rừngTên khác:
Đặc điểm nhận dạng: Dây leo bằng thân quấn, phân cành nhiều, có lông màu hoe vàng, nhất là ngọn non. Lá mọc đối; cuống rất ngắn, hình trái xoan nhọn đầu, cỡ 3-7 x 2-3 cm, không lông, mặt trên bóng, mặt dưới hơi nhạt màu, mép lá có lông nhỏ. Cụm hoa xim mọc từng đôi, từ kẽ lá, thường tập trung ở đầu cành; cuống chung rất ngắn; lá bắc dạng lá. Hoa hình ống, màu vàng nhạt, thơm, dài 3-4 cm. Đài nhỏ. Cánh hoa 5, chỉ có 2 cánh hợp thành 1 môi, cánh hoa ngắn hơn nhiều so với ống hoa. Nhị 5, thô. Vòi nhuỵ dài hơn nhị. Quả hình trứng, dài 0,5-0,6 cm. Một hạt, nhỏ.
Sinh học và sinh thái: Mùa hoa tháng 10-11 (12), quả tháng 12-4 (năm sau). Nhân giống tự nhiên bằng hạt. Có khả năng tái sinh khoẻ sau khi chặt. Cây ưa sáng, ưa vùng có khí hậu ẩm mát ở vùng núi, ở độ cao 800-1.500 m. Thường mọc trùm lên các cây bụi khác hay các tảng đá ở ven rừng núi đá vôi.
Phân bố:
- Trong nước: Lai Châu (Phong Thổ: Tam Đường), Hà Giang (Quản Bạ: Quyết Tiến)
- Thế giới: Trung Quốc, Lào.
Giá trị: Là loài rất hiếm gặp ở Việt Nam. Hoa và cành lá được dùng làm thuốc tiêu độc, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa.
Tình trạng: Cho đến nay mới chỉ phát hiện ở 2 điểm, với số cá thể rất ít, không vượt quá 250 cây. Do mọc ở ven rừng, gần đường đi nên đã từng bị chặt phá. Điểm phân bố ở Tam Đường (Lai Châu) có thể đã bị xâm hại do mở rộng thị trấn. Nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng là rất cao.
Phân hạng: CR B1+2b, C2a.
Biện pháp bảo vệ: Có kế hoạch mở rộng điều tra ở 2 điểm phân bố đã biết, xác định cụ thể những cá thể hiện có, đặc biệt là ở khu vực Tam Đường (Lai Châu) để có kế hoạch bảo vệ chặt chẽ. Nghiên cứu khả năng nhân trồng; thu thập về trồng bảo tồn ngoại vi (Ex situ) tại các vườn cây thuốc ở vùng cao, như vườn Trại thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu).
Tài liệu dẫn: HDKV: 138; SMP, 2: 56; STCT: 254; TCDL, 6(4): 98; SĐVN(2007):154