Tên Khoa học: Callicarpa rubella Lindl.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Tử châu đỏ; Tu hú hồng; Tu hú quả tím.Tên khác:
Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ. Các cành non tròn, phủ lông hình sao mịn. Lá không có cuống, mỏng, thuôn, hay hình dải thuôn, dài 8 - 20cm, rộng 3 - 9cm, hình tim ở gốc, hẹp dần lại ở phần đầu có mũi, nửa mép ở đầu lượn sóng hay có răng, mặt trên có các lông đơn, mặt dưới phủ lông hình sao; gân lá nổi rõ và có nhiều lông; cuống ngắn 1mm.
Hoa họp thành xim hình cầu, phủ lông len, có nhiều hoa. Lá bắc bé, hình dải. Hoa màu hồng. Đài có 4 cạnh và 4 răng, có tuyến và phủ lông đơn hình sao. Tràng hơi có lông và có tuyến, 4 thùy tròn. Nhị 4, thò ra ngoài; bao phấn có tuyến. Bầu nhẵn, có tuyến; đầu nhụy hình đầu. Quả hạch hình cầu, nhẵn, màu tím; đường kính 3mm.
Phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta có gặp từ Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa vào tới Kon Tum, Lâm Đồng.
Cây mọc ở vùng trung du hoặc vùng núi từ độ cao 150m đến trên 1500m, trong rừng thưa.
Ra hoa quả vào mùa hạ (tháng 6 - 7), có quả vào mùa đông (tháng 11).
Ta thường dùng làm thuốc giải nhiệt, làm dịu và nấu nước tắm chữa ghẻ lở. Rễ được dùng ngâm rượu chữa tê thấp, sưng khớp, hoặc sắc cho phụ nữ sinh đẻ uống.
Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây trị đinh sang, lá trị bệnh phong thấp, đòn ngã tổn thương, thổ huyết, đái ra máu, ngoại thương xuất huyết; rễ dùng trị phụ nữ bị bệnh xích và bạch đới.
Dân gian ở Trung Quốc dùng rễ nướng với thịt ăn để thông kinh nguyệt và trị xích, bạch đới của phụ nữ. Lá vò ra xát trị ghẻ.