Tên Khoa học: Callicarpa candicans (Burm. f.) Hochr.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Nàng nàng; Tử châu chồi trắng; Trứng ếch; Pha tốp.Tên khác: Urtica candicans Burm. f., Callicarpa cana L.;
Cây nhỏ. Các cành non hơi vuông góc phủ nhiều lông tơ hình sao, màu tối, xám hay trắng nhạt. Lá mỏng có hình dạng thay đổi: hình trái xoan, hình trái xoan – mũi mác, hay hình mũi mác, dài 7 - 20cm, rộng 2,5 - 11cm, gốc thuôn dần, đầu tròn hay có mũi ngắn, có răng cưa ở 1/3 mép phía đầu lá, đôi khi có các răng to và không đều nhau; mặt trên phủ lông hình sao lúc còn non, sau nhẵn trừ các gân lá; mặt dưới phủ các lông hình sao màu xám nhạt; cuống lá dài 0,5 - 3cm.
Hoa họp thành những xim hình cầu. Lá bắc và lá bắc con hình dải thẳng, nhọn; cuống hoa hầu như không có. Hoa có màu đỏ nhạt. Đài phủ lông hình sao rậm và có tuyến, có 4 răng rất bé. Tràng hình chuông; ống tràng gần như nhẵn; 4 thùy tròn, có một ít lông dài ở mặt ngoài. Nhị thò ra ngoài nhiều; chỉ nhị đính ở gốc của ống tràng; bao phấn có nhiều tuyến ở mặt lưng. Bầu nhẵn, có các tuyến tròn; vòi nhụy rất dài; đầu nhụy hình phễu, hơi chẻ đôi. Quả hạch hình cầu, nhẵn, màu tía.
Phân bố ở Ấn Độ, Lào, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaixia và Philippin.
Ở nước ta, cây mọc khắp nơi từ Bắc vào Nam.
Thường gặp ở các đồi ven đường, các rừng thứ sinh mới phục hồi.
Có hoa quả vào tháng 6, tháng 7.
Là cây thuốc quen dùng chữa cảm nắng, cảm hàn, thương thực, nôn ra máu, no hơi đầy bụng, kém ăn, kinh nguyệt không đều hay ra khí hư, hàn thấp đau bụng, cầm máu vết thương và trừ mụn nhọt. Phụ nữ huyết nhiệt kinh bế, dùng nó rất hay. Nhân dân thường dùng toàn cây sắc nước cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống để ăn ngon cơm. Thân lá tán bột uống giải nhiệt, giảm đau. Hạt sắc uống làm sáng mắt. Ngày dùng 4 - 8 ( 6 - 12 )g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Ở Ấn Độ, lá, rễ và vỏ dùng trị bệnh ngoài da. Lá làm thuốc dùng trị rối loạn của bụng, dùng ngoài đắp vết thương, mụn nhọt và làm thuốc duốc cá.