Tên Khoa học: Caesalpinia pulcherrhima (L.) Sw.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Kim phượng; Điệp cúng; điệp taTên khác: Poinciana pulcherrima L. 1753 (FC, 261). - P. elata Lour. 1790 (FC: 261);
Cây nhỏ không gai hay có ít gai. Lá có trục dài 10 - 40cm; lá lông chim 3 - 10 đôi, có trục dài 2 - 10cm. Lá chét 6 - 12 đôi, mọc đối, thuôn - bầu dục, 10 - 20 x 6 - 10mm; tròn lõm và có mũi nhỏ ở đầu, không cân ở gốc; gân bên cỡ 8 đôi.
Cụm hoa thành chùm ở ngọn, dài 20 - 40cm. Hoa có cuống 3 - 7cm; lá đài không bằng nhau, cái dưới dạng mũ, bao phủ lên, lớn hơn các lá đài bên; cánh hoa đỏ hay vàng, 4 cái gần bằng nhau, 10 - 25mm, có móng dài, có phiến rộng 8 - 20mm, tròn ở đầu và nhăn nheo ở mép, cánh trên nhỏ hơn với móng có rãnh; nhị 10 có chỉ nhị đỏ, 5 - 6cm; bầu không lông, có cuống; vòi nhụy dài 5 - 6cm. Quả hình ngọn giáo ngược–thuôn; cỡ 7 - 12 x 1,5 - 2cm, dẹp, kéo dài thành mỏ; hạt 8 - 10, hình trái xoan ngược dẹp, màu nâu.
Loài của vùng nhiệt đới châu Mỹ, có thể là Mêhicô hay Trung Mỹ, trồng và được thuần hóa ít nhiều ở miền nhiệt đới. Cũng gặp nhiều ở vùng Đông Á: Xri Lanca, Ấn Độ, Nêpan, Mianma, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo và quần đảo Mã Lai. Ở nước ta, cây được trồng nhiều nơi.
Thích hợp với nhiều loại địa hình vùng đồng bằng và trung du.
Ra hoa kết quả quanh năm.
Cây được trồng nhiều làm cảnh vì hoa có màu đỏ - cam hay vàng rất đẹp.
Cây được xem như là bổ, kích thích điều kinh; rễ chát, se có thể trị ỉa chảy. Lá hãm uống có thể gây sẩy thai và nước hãm này dùng trị sốt rét nặng và cũng gây xổ. Vỏ cây cũng dùng làm thuốc điều kinh mạnh, được dùng ở một số nước như thuốc gây sẩy thai. Hoa được dùng hãm uống có tác dụng bổ phổi, hạ nhiệt và dùng chữa viêm phế quản, hen suyễn và sốt rét.
Ở Đài Loan, hoa, lá và hạt được dùng hạ nhiệt, lợi tiêu hóa và lợi tiểu.
Ở Inđônêxia, lá của thứ có hoa vàng dùng làm bột trị đau dạ dày; vỏ của cây hoa đỏ dùng làm thuốc trị ỉa chảy; hoa tham gia vào một hỗn hợp thuốc dùng cho trẻ con bị co giật.