Tên Khoa học: Caesalpinia minax Hance, 1884 (CCVN, 1:1059)Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Vuốt hùm; Móc diều; Móc mèoTên khác: C. minax Hance var. burmanica Prain, 1897;
Cây nhỡ mọc trườn với nhánh có lông mịn rồi nhẵn, có gai. Lá kèm chia thành hai dải hình vạch, 8mm, có lông mịn. Lá có trục dài 30 - 40cm, có lông mịn, có gai. Lá lông chim 5 - 8 đôi, có trục dài 10 - 20cm, có lông mịn, có gai. Lá chét 6 - 12 đôi, mọc đối có cuống rất ngắn, thuôn - bầu dục, 25 - 40 x 10 - 18mm, thường nhọn đầu, không cân ở gốc, có lông mịn ở mặt dưới; gân 10 - 12 đôi.
Cụm hoa thành chùm hay chùy ở ngọn, dài 20 - 40cm, có lông mịn, có gai nhiều hay ít. Hoa có cuống 2 - 2,5cm; lá đài có lông, không đều nhau, cái dưới dạng mũ nồi; cánh hoa trăng trắng, không đều, cánh trên đo đỏ tròn ở đầu, thắt lại ở giữa, nhỏ hơn, các cánh khác trắng có lông mịn ở mặt ngoài; nhị có chỉ nhị có lông; bầu không cuống, lởm chởm lông, 7 - 8 noãn. Quả đậu dạng bầu dục - thuôn, 10 - 15 x 4 -4,5cm, thót lại và tròn ở hai đầu, có mũi nhọn ở đỉnh có lông mịn và có tơ gai đứng hay nằm, dài 12mm; hạt 6 - 7, hình bầu dục, 18 x 10mm, màu đen bóng.
Loài của Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Trung Quốc. Ở nước ta có gặp từ Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Tây, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa tới Quảng Trị.
Thường gặp trong rừng ở độ cao 300 đến 1500m.
Ra hoa kết quả quanh năm.
Cây được trồng làm hàng rào.
Dân gian dùng rễ sắc uống chữa đau nhức, hóc xương, kém ăn, mất ngủ. Rễ và lá cũng dùng ngâm rượu ngậm chữa sâu răng.
Ở Trung Quốc, toàn cây chủ yếu là rễ được dùng trị cảm mạo phát sốt nóng, phong thấp đau khớp xương; hạt dùng trị nôn oẹ, lỵ, lâm trọc, đái ra máu; lá dùng trị đòn ngã tổn thương và rắn cắn.