Tên Khoa học: Brassica pekinensis (Lour.) Rupr.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Cải thảo; Cải bắp dài, Cải bao, Cải trắng cuốn láTên khác: Sinapis pekinensis Lour.; Brassica campestris L. ssp. Pekinensis (Lour.) Olsson; B. rapa L. var. pekinensis (Lour.) Kitamura; B. rapa ssp. Pekinensis (Lour.) Hanelt;
Cây thảo hai năm, cao 30 - 40cm, không lông, có khi ở mặt trên gân chính có lông. Lá chụm ở đất, nhiều, hình bầu dục hoặc trứng rộng ngược, dài 30 - 60cm, rộng bằng 1/2 dài, đầu tròn, mép gợn sóng, có khi có răng không rõ. Gân giữa rộng màu trắng, gân bên thô và nhiều; cuống lá màu trắng, dẹp, rộng 2 - 8cm, phía mép có khi có cánh. Lá ở phía trên hình trái xoan đến ngọn giáo.
Hoa màu trắng, dài 8mm. Quả cải dài 3 - 6cm, rộng 3mm; hạt hình cầu, hình trụ tròn 1 - 1,5cm, màu nâu hạt dẻ.
Loài có nguồn gốc ở vùng Bắc và Đông Bắc Trung Quốc. Được nhập trồng ở nước ta làm rau vụ đông ở các tỉnh miền Bắc và Lâm Đồng.
Cải thảo là loại rau ngon chứa nhiều vitamin A, B, C, E. Ở Trung Quốc, lá cải thảo dùng làm rau ăn ngọt, mát, có tác dụng bổ cho trường vị, lại lợi tiểu.
Có thể dùng nấu canh ăn như các loại rau cải khác, làm nước canh cơ bản trong bữa ăn; cũng có thể nấu canh với jambông, gà, vịt, xương lợn. Cũng có thể lấy lõi bắp cuộn lại ở phía trong có màu trắng và mềm dùng ăn sống, dầm muối thành nguyên liệu chủ yếu của món nộm dùng ăn cơm, ăn cháo; hoặc trộn dầu giấm như rau xà lách. Cải thảo nấu lẩu hoặc xào ăn đều ngọt cả.
Cải thảo có thể xắt khúc nhỏ đem tẩm xì dầu để phơi khô cất ăn dần, dùng để nấu canh thịt, hấp cá, ăn hủ tiếu, ăn thịt bò viên. Cuống cải thảo có thể xắt miếng, lẫn với cà rốt, đem muối (thêm hành, tỏi, bột ớt, nước gừng), có vị chua chua, ngòn ngọt, cay cay, nồng nồng…