Tên Khoa học: Aspidistra typica Baill. 1894 (CCVN, 3:602)Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Hoa trứng nhện; Trứng nhện; Tỏi đá; Sâm vầy nưa; Tỏi rừng; Tri thù hươngTên khác:
Cây thảo có thân rễ to, phân nhánh, bò. Lá mọc từ gốc, nhiều, xếp 2 dãy, có cuống; phiến hình bầu dục mũi mác dài 20cm rộng 7 - 9cm, cuống hình trụ, phình ở gốc, dài 1 - 3,5cm.
Cụm hoa mọc từ gốc, dạng cán hoa có vẩy mang nhiều hoa lúc đầu nằm dưới đất, xếp thành xim một ngả; lá bắc nhiều, khá dày và cứng; nụ hình cầu, màu lục nhạt có đốm tía. Bao hoa hình chuông có 3 lá đài và 3 cánh hoa vặn. Nhị 6, không có chỉ nhị, bao phấn thuôn, đính lưng và mở vào phía trong. Bầu thượng cuống rất ngắn, đầu nhụy hình đĩa, nom như mũ nấm, che khuất ống hoa, màu hồng; ô bầu 3, mỗi ô chứa 2 noãn dính bên. Quả mọng hình cầu chứa 1 hạt.
Loài của Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam có gặp tại Uông Bí tỉnh Quảng Ninh và Cúc Phương tỉnh Ninh Bình.
Cây mọc ở hốc mùn, sườn núi đá trong rừng.
Có hoa tháng 2 - 4, có khi kéo dài đến tháng 11.
Cây đẹp, có thể trồng làm cảnh như một số loài khác cùng chi.
Thân rễ được dùng làm thuốc trị lỵ, sốt rét, phong thấp tê đau, thận hư đau lưng gối, đòn ngã tổn thương, gãy xương và rắn độc cắn.