Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với
LOÀI

Tên Khoa học: Aristolochia tuberosa Liang & Hwang
Tên tiếng Anh:
Tên tiếng Việt: Chu sa liên; Đại diệp mã đậu linh, Thanh mộc hương
Tên khác:

MÔ TẢ CHUNG

Đặc điểm nhận dạng: Dây leo nhỏ, sống nhiều năm. Rễ củ thành chuỗi, to, nạc. Toàn thân, lá, hoa không lông. Lá có cuống dài 7-14 cm, phiến lá chất màng, hình tim dạng tam giác, cỡ 12 x 14 cm; chóp lá tròn hoặc tù, gốc lá lõm hình tim, có 5-7 gân phát xuất từ gốc lá; gân mạng không rõ. Hoa đơn độc hoặc 2-3 hoa thành cụm dạng tổng trạng ở nách lá hoặc ở gốc cành nhỏ. Hoa có cuống dài khoảng 1,5 cm, có lá bắc nhỏ hình trứng. Bao hoa màu lam tím, dài 3,5 mm, phần dưới dạng ống dài 1,5 cm, gốc phình thành hình cầu, đường kính 5 mm, đỉnh phát triển thành dạng môi, môi trên hình tròn dài, cỡ 2 x 4 cm, có 5 gân, chóp tròn có mũi lồi; môi dưới cực ngắn. Bao phấn hình trứng dài 1,5 mm; cột nhuỵ có 6 thuỳ ở đỉnh. Bầu hình trụ tròn dài 1-1,2 cm. Quả nang hình trứng ngược, phần gốc thuôn hẹp dần xuống liền với cuống, dài đến 7cm, có 6 cạnh lồi. Hạt nhiều, hình tam giác. (Ảnh 52).

Sinh học và sinh thái: Mùa hoa tháng 3-4, quả tháng 4-7. Chồi gốc mọc hàng năm vào mùa xuân. Sau khi bị chặt hoặc cắt, phần còn lại có khả năng tái sinh. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Mọc ở ven rừng núi đá vôi, thuộc vùng núi cao nhiệt đới; độ cao khoảng 1500 m.

Phân bố:

- Trong nước: Hà Giang (Đồng Văn: Phó Bảng), Lạng Sơn.

- Thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản.

Giá trị: Nguồn gen quý, rất hiếm đối với Việt Nam. Rễ củ có tác dụng giảm đau, dùng làm thuốc trị bệnh gan, phù thũng...

Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ củ được dùng làm thuốc tiêu viêm, tiêu thũng, thanh nhiệt, giải độc, tán huyết chống đau. Người ta cũng dùng như các loài Mã đâu linh khác chữa thủy thũng, tê thấp, tiểu tiện khó khăn; còn dùng chữa đau gan.

Tình trạng: Phó Bảng là điểm phân bố duy nhất đã biết ở Việt Nam, với số cá thể rất ít. Nơi mọc ở chân núi gần nương rẫy, nên rất dễ bị rủi ro. Bị đe doạ tuyệt chủng cao.

Phân hạng: EN A1c,d

Biện pháp bảo vệ: Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "hiếm" (R). Cần điều tra xác định lại điểm phân bố ở Phó Bảng và lân cận, để có kế hoạch bảo vệ. Thu thập về nghiên cứu trồng và bảo tồn ngoại vi (Ex situ).

Tài liệu dẫn: SĐVN (2007): 94; STCT: 435; TCDL, 6(4): 98; TCSH, 17(4, CĐ): 32.

ẢNH

Aristolochia tuberosa - SDVN.jpg at www.BotanyVN.com

Ảnh 1. Aristolochia tuberosa - SDVN.jpg

 

PHÂN LOẠI KHOA HỌC
Giới: Thực vật
Ngành: Magnoliophyta
Lớp: Magnoliopsida
Bộ: Piperales
Họ: Aristolochiaceae
Chi: Aristolochia

CHỈ SỐ

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025