Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với
LOÀI

Tên Khoa học: Annona squamosa L.
Tên tiếng Anh:
Tên tiếng Việt: Na; Mãng cầu dai; mãng cầu ta
Tên khác:

MÔ TẢ CHUNG

Cây cao 2 - 8m; vỏ có nhiều lỗ bì nhỏ, tròn, trắng. Lá hình mũi mác, tù hay nhọn, hơi mốc mốc ở phần dưới, hoàn toàn nhẵn, thường là mềm, dài 10cm, rộng 4cm, có 6 - 7 đôi gân phụ.

Hoa nhỏ, màu xanh lục, mọc đối với lá, có cuống dài 2 - 3 cm. Hoa thường rũ xuống, có 3 lá đài màu lục, 3 cánh hoa ngoài hẹp và dày, các cánh hoa ở trong rất hẹp hoặc thiếu hẳn, nhiều nhị và nhiều lá noãn. Quả mọng kép, màu xanh mốc, gần như hình cầu, đường kính 7 - 10cm, có từng múi, mỗi múi ứng với một lá noãn. Thịt quả trắng. Hạt đen có vỏ cứng.

Gốc ở quần đảo Ăngti nhỏ (châu Mỹ), được đưa vào trồng ở các nước nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, na được trồng nhiều và đã thuần hóa.

Cây chịu lạnh kém; ở khí hậu nóng ẩm và độ cao dưới 1200m, chịu được hạn và cần thời tiết khô ráo lúc ra hoa, đến đầu mùa mưa ra quả. Cần đất thoáng, thoát nước và hơi chua (pH 5,5 - 6,5).

Muốn trồng na, người ta chọn những quả to, chín, bóc vỏ để nguyên cả múi và hạt đem ươm. Khi cây cao 40 - 50cm thì đem trồng vào đầu mùa mưa, khoảng cách 2x2m, lỗ sâu 30cm, có bón phân chuồng. Cây trồng 2 năm có quả, nhưng quả sai vào năm thứ tư. Sau 7 - 8 năm, cần trồng lại.

Thịt quả na mềm và thơm, ngọt; ngon nhất là na dai (khi chín quả không bở nứt, vỏ vẫn bọc lấy quả, ít hạt). Trong quả có 72% glucose, 14,52% saccharose, 1,73% tinh bột, 2,7% protein và cũng chứa vitamin C. Quả na có tác dụng hạ khí, tiêu đờm, được dùng trị lỵ, tiết tinh, đái tháo và bệnh tiêu khát.

Quả na xanh làm săn da, tiêu sưng, được dùng trị lỵ và itiêu chảy.

Quả na điếc dùng trị mụn nhọt, đắp lên vú bị sưng.

Hạt na chứa 38,5 - 42% dầu,  trong đó có các acid béo chiếm tỉ lệ lớn (acid myrictic, palmitic, stearic, arachidic, hexadecanoic và oleic). Trong hạt có một alcaloid vô định hình gọi là anonain. Hạt có chất độc nên được dùng diệt côn trùng, trừ chấy rận.

Lá na chứa một alcaloid vô định hình, không có glucosid; lá xanh chứa 0,08% dầu. Người ta dùng lá na non làm gia vị (ăn với thịt vịt). Lá na già dùng trị sốt rét cơn lâu ngày, mụn nhọt sưng tấy và ghẻ.

Rễ và vỏ cây  cũng như lá đều chứa acid hydrocyanic; vỏ cũng chứa anonain. Người ta dùng rễ và vỏ na trị ỉa chảy và trục giun.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), lá dùng trị xích lỵ cấp tính; còn dùng trị trẻ em lòi dom; quả dùng trị u ác tính. Ở Thái Lan, lá tươi và rễ dùng trị chấy, mụn nhọt, nấm tóc và lang ben. Ở Ấn Độ, rễ được dùng gây xổ; hạt, quả và lá dùng diệt côn trùng, duốc cá, diệt chấy; hạt kích thích và gây sẩy thai.

ẢNH

PHÂN LOẠI KHOA HỌC
Giới: Thực vật
Ngành: Magnoliophyta
Lớp: Magnoliopsida
Bộ: Magnoliales
Họ: Annonaceae
Chi: Annona

CHỈ SỐ

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024