Tên Khoa học: Annamocarya sinensis (Dode) J. LeroyTên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Chò đãi; Mạy châu trung quốc; cây cungTên khác: Carya sinensis Dode; Juglans indochinensis A. Chev.; Annamocarya indochinensis (A. Chev.) J. Leroy; Rhamphocarya integrifoliata Kuang;
Đặc điểm nhận dạng: Cây gỗ lớn, có bạnh gốc to, rụng lá trong mùa khô, cao 25-30(35) m, đường kính 60-100 cm. Lá kép 1 lần lông chim lẻ, dài 30-40 cm; lá chét 7-9, gần chất da; những chiếc phía trên khá to, hình bầu dục dài hoặc hình mác-bầu dục, cỡ 12-15 x 4-5 cm; những chiếc dưới nhỏ hơn, thường hình trứng; cuống lá chét dài 3-5 mm. Cụm hoa đực hình đuôi sóc, dài 13-15 cm, rủ xuống, thường chụm 5-7 thành một bó, mọc ở nách lá. Cụm hoa cái là bông ở đầu cành, đứng thẳng. Hoa cái 3-5 trong mỗi cụm hoa. Quả hình cầu hay hình trứng, dài 6-8 cm, đường kính 5-6 cm, vỏ quả ngoài dày, hoá gỗ, thường nứt thành 6-9 mảnh.
Sinh học và sinh thái: Ra hoa tháng 4-5, có quả tháng 8-9. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh thường xanh, vùng núi đá vôi, thường dựa suối hoặc trong thung lũng, ở độ cao 400-1000 m. Cây tái sinh chủ yếu bằng hạt.
Phân bố:
- Trong nước: Lai Châu (Phou Nhou), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hải Phòng (Cát Bà), Ninh Bình (Cúc Phương), Thanh Hoá (Lang Chánh, Lũng Vân)
- Thế giới: Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây).
Giá trị: Gỗ tốt, có thể dùng trong xây dựng, đóng đồ gia dụng. Hạt ép lấy dầu béo. Vỏ quả chế than hoạt tính.
Tình trạng: Loài có khu phân bố chia cắt; ở các điểm thuộc Lai Châu và Thanh Hoá rừng đã bị khai thác nặng nề. Bản thân loài cũng bị khai thác lấy gỗ.
Phân hạng: EN B1+2c,d,e.
Biện pháp bảo vệ: Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "sẽ nguy cấp" (V). Không chặt đốn những cây trưởng thành còn sót lại ở các điểm phân bố, nhất là ở Tam Đảo, Cát Bà, Cúc Phương. Có thể tìm nguồn giống mang về trồng tại Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc).
Tài liệu dẫn: CCVN, 2: 761; SĐVN: 46; VFT: 343.