Tên Khoa học: Adenosma indiana (Lour.) Merr.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Bồ bồ; Tuyến hương ấn; Nhân trần hoa đầu, Chè cát, Chè nội,Tên khác: Manulea indiana Lour.; Stemodia capitata Benth.; Pterostigma capitatum (Benth.) Benth.; Adenosma capitatum (Benth.) Benth. ex Hance; Adenosma capitatum var. spicata Bonati; Erinus bilabiatus Roxb.; Adenosma bilabiatum (Roxb.) Merr.; Adenosma buchneroides Bonati;
Cỏ hằng năm có thân đứng cao 15 - 70cm, đơn hay ít phân nhánh, hình trụ, phủ lông xồm trắng. Lá có cuống có lông xồm dài 1 - 9mm; phiến hình trứng hay hình trứng thuôn, dài 1 - 7 cm, rộng 0,5 - 2cm, gần nhọn ở đầu, hình nêm và thon lại trên cuống, có mép khía răng, có lông ở mặt trên và trên các gân ở mặt dưới.
Cụm hoa ở ngọn, nhiều hoa, hình đầu, dạng cầu hay hình trụ ngắn, cỡ 0,5 - 3 x 1cm, ít khi có hoa đơn độc và ở nách; cuống có lông, lá bắc ở gốc dạng lá, các lá trên hình ngọn giáo tới dải - ngọn giáo; lá bắc con 2, dạng sợi. Đài cao 4mm, có lông xồm; lá đài trên hình ngọn giáo, rộng 0,5mm, các lá đài khác hình ngọn giáo hẹp, rộng 0,2 - 0,3mm. Tràng cao 5 - 6mm, màu tím, môi trên hình trứng rộng, môi dưới cũng dài bằng môi trên; có 3 thùy sâu hình dải - thuôn.
Quả nang hình trứng, cỡ 3,5 x 2,5mm.
Loài phân bố ở Xri Lanca, Ấn Độ, Mianma, Nam Trung Quốc; ở Campuchia, Lào, Việt Nam, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia và Philippin. Ở Việt Nam, có gặp từ Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây vào tới Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.
Thường gặp ở ruộng, các rừng thưa cây rụng lá, nơi trống có cát và cỏ, trong các đầm lầy và đất ẩm, từ vùng biển lên đến độ cao 1200m. Ra hoa kết quả từ tháng tư đến tháng 10.
Cây được dùng làm thuốc chữa viêm gan do virus, các chứng vàng da, tiểu tiện ít, vàng đục, sốt, nhức mắt, chóng mặt, phụ nữ kém ăn sau khi sinh. Ở Trung Quốc, cây dùng trị cảm lạnh, sốt, đau đầu, tiêu hóa kém, viêm ruột và đau dạ dày; dùng ngoài trị viêm da.