Tên Khoa học: Acalypha australis L.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Tai tượng lá hoa; Tai tượng lá bắc to; tai tượng nam; thiết hiện thái; nhân hiện; hải bạng hàm châuTên khác: Urtica gemina Lour.; Acalypha gemina Muell.-Arg.;
Cây thảo hằng năm, cao 30 - 60 cm, phân nhánh ít. Lá có phiến nhỏ, mỏng, hình bầu dục, hình mác dạng bầu dục, hình quả trám dạng trứng, dài 2,5 - 8 cm, rộng 1,5 - 3,5 cm, hai mặt có lông mềm hoặc không lông; gân gốc 3, gân bên 4 - 5 đôi; cuống lá dài 1 - 3 cm; lá kèm hình kim cao.
Hoa đơn tính, cùng gốc, không có cánh hoa, cụm hoa dạng bông ở nách lá. Hoa cái có 3 lá đài, bầu 3 ô, phủ lông thưa, có 3 vòi nhụy, xẻ đến tận gốc. Hoa đực ở phía ngọn, có 4 lá đài hình bầu dục, 8 nhị có bao phấn hình ống thuôn. Quả có 3 mảnh có lông ở gốc, đường kính 3 - 4 mm.
Phân bố ở Liên bang Nga, Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippin và Ôxtrâylia. Ở Việt Nam có gặp từ Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình vào đến Thừa Thiên - Huế.
Cây mọc ở các bãi đất, trên các đồi ở các miền trung du lên đến độ cao 1500 m. Cây ưa sáng và ẩm.
Ra hoa tháng 4 - 8, có quả tháng 7 - 11.
Toàn cây được sử dụng làm thuốc chữa đổ máu cam, thổ huyết, đái ra máu, tử cung xuất huyết, đòn ngã tổn thương, lỵ trực khuẩn, lỵ amíp, viêm ruột ỉa chảy, tràng nhạc, viêm da, bệnh mẩn ngứa, vết thương chảy máu. Ở Vân Nam (Trung Quốc), cây còn được dùng trị cam tích và trướng bụng.