Tên Khoa học: Acacia catechu (L.f.) Willd.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Keo cau; Keo catêsuTên khác:
Cây gỗ cỡ trung bình; thân ngắn, không hoàn toàn thẳng; nhánh không có lông, có gai, vỏ ráp, màu xám nâu sẫm. Lá kép có cuống có tuyến ở phần trên; lá lông chim dài 3,5 - 4,5 cm mang tới 50 lá chét cong cong, không cân, dài 3,5 mm, rộng 0,7 mm.
Cụm hoa hình bông ở nách lá, dài hơn cuống lá lông chim. Hoa màu vàng sáng hay trắng. Quả thuôn dài, dẹp, màu nâu đậm; hạt hình thấu kính dài 8 mm, màu nâu.
Phân bố ở Ấn Độ, Xri Lanca, Mianma. Ở Việt Nam có nhập và trồng tại Thảo Cầm Viên thành phố Hồ Chí Minh.
Trong tự nhiên, cây mọc ở rừng tới độ cao 500 - 900m. Được trồng nhiều ở các vùng nóng.
Gỗ màu đo đỏ, rất cứng, có thể làm cán nông cụ, khung xe, nhưng thường dùng làm củi. Lõi thân đem nấu và lọc sẽ tạo thành một khối cứng màu nâu sẫm. Chất này có tính làm săn da, được sử dụng để trị viêm họng, viêm lợi và viêm miệng. Cũng dùng trị ỉa chảy và dùng ngoài trị lở và mụn nhọt. Cây chứa nhựa catêsu và vỏ cây cũng được dùng để thuộc da và để nhuộm.
Ở Thái Lan, gỗ được dùng trị trẻ em trúng độc nên ăn uống không tiêu, bệnh lỵ, lao phổi khạc ra máu, thổ huyết, tiêu chảy; dùng ngoài để điều trị vết thương và các bệnh ngoài da. Ở Vân Nam (Trung Quốc), vỏ thân, gỗ hoặc cành được dùng trị trẻ em trúng độc nên ăn uống không tiêu, bạch lỵ, lao phổi khạc ra máu, thổ huyết, chảy máu mũi, ngoại thương xuất huyết, bỏng lửa, viêm miệng và mụn nhọt, lở loét, mẩn ngứa...